Từ lâu rồi qua Tivi, sách vở, Internet chúng ta đều biết về sự chăm chỉ làm việc của người Nhật và lý tưởng về khối Đại đông á của người Nhật ăn sâu vào từ tiểu thuyết đến truyện tranh. Ở đâu đâu chúng ta cũng thấy bóng dáng những anh hùng hay siêu nhân ra tay bảo vệ cho trái đất này sống trong hoà bình, thịnh vượng.
Trong bài viết nhỏ này xin được phép nói về một khía cạnh khác của người Nhật đó là sự tử tế. Cuối năm 2013, Folami có cơ hội qua Nhật công tác qua xứ sở hoa anh đào lần đầu tiên. Những cảnh đẹp như xứ thần tiên xuất hiện trong các vở cải lương Áo vũ cơ hàn, Người phu khiêng kiệu cưới hay Tiếng hạc trong trăng mà Folami mê say sưa lúc còn nhỏ bây giờ đã có cơ hội được tận mắt chứng kiến. Trước khi đi Folami cũng chuẩn bị rất kỹ, lên mạng xem chỗ khách sạn mình ở có cho mượn bàn ủi (bàn là) hay không? Ổ cắm điện lỗ tròn hay chữ nhật, ... Tuy nhiên điều Folami không lường trước là thức ăn ở Nhật chứa rất nhiều thịt, cá. Mà Folami thì bị Gout, bác sĩ căn dặn rất kỹ là phải ăn hạn chế đồ hải sản và thịt có màu đó vì chứa nhiều purin.
Bước sang ngày thứ ba cái đầu gối bắt đầu đau đau. Sau khi lên tầng 9 toà nhà My Lord (Ga Shinjuku) ăn bánh xèo thì tối đó đi hết nổi. Sáng hôm sau mang toa thuốc ở Việt Nam ra quầy thuốc Tây (ở siêu thị) để mua thuốc nhưng họ từ chối bán vì họ nói phải là toa thuốc của bác sĩ Nhật họ mới bán. Thế là Folami bắt tàu đến Opera T heather City, nơi Folami làm việc vì ở đây có phòng mạch. Tuy nhiên bác sĩ ở đây không nói Tiếng Anh được do đó sau một hồi Folami nói Tiếng Anh còn bác sĩ nói Tiếng Nhật thì bác sĩ cho tên bệnh viện Naiyo.
Bắt taxi đến Naiyo, bệnh viện nho nhỏ như các bệnh viện tư nhân hay nói cho hoành tráng là quốc tế ở Việt Nam ta. Thật không may ở đây không ai nói được Tiếng Anh. Sau một hồi quơ tay, quơ chân thì một cô y tá lớn tuổi đẩy chiếc xe lăn đến và ra hiệu cho Folami ngồi lên đó. Cô ấy đẩy hơn cây số và đưa đến một phòng mạch tư khác và hoàn toàn miễn phí. Folami chỉ biết gật gật đầu cám ơn cô ấy với lòng biết ơn mà thôi.
Phòng mạch tư này là một phòng vật lí trị liệu. Có lẽ cô ấy thấy Folami sưng gối không đi được nên nghĩ Folami bị thương ở gối mà đưa đến đây. Ở đây có 2 cô không biết y tá hay bác sĩ nhưng không nói được Tiếng Anh. Một trong hai cô dùng chiếc điện thoại thông minh (smartphone) của mình để mở Google translate. Folami và cô bạn đi cùng gõ Tiếng Anh, máy dịch sang Tiếng Nhật. Đến phiên cô ấy gõ Tiếng Nhật máy lại dịch sang Tiếng Anh. Cứ loay loay như vậy thì cũng đến 12:00 trưa cũng liên lạc được với công ty Folami làm việc nhờ giúp đỡ.
Khi người của công ty đến, hai người bạn cặp hai bên Folami đi ra đầu đường để gọi taxi. Cô y tá (hay bác sĩ) lúc nãy chạy lăng xăng và chiếc áo đồng phục trắng biến mất ở đầu phố. Folami cứ nghĩ là đến giờ nghỉ trưa nên cô ấy về nghỉ trưa. Đi được một đoạn thì Folami không khỏi ngạc nhiên khi thấy cô ấy quay trở lại cùng chiếc taxi. Hai người bạn Folami đưa Folami và tạm biệt cô gái thật tận tình, tử tế và tốt bụng. Cô vẫn đứng đó nhìn theo chiếc taxi xa dần, xa dần trong nụ cười không tắt và sẽ không bao giờ tắt trong kí ức của Folami.
Với sự trợ giúp nhiệt tình của công ty bên đó. Folami cũng được điều trị đến đầu, đến đũa ở bệnh viện Kuraso. Sau đó hai người bạn quay lại công ty làm việc còn bác taxi già đưa Folami về khách sạn. Khi đến khách sạn bác đã dìu Folami lên tận phòng mới an tâm quay xe đi.
Ở bác taxi thì có thể xem sự tử tế của bác chỉ là tính chuyên nghiệp hay tận tình trong công việc của bác nhưng đối với cô y tá đưa Folami bằng xe lăn và cô ý tá (bác sĩ) ở phòng vật lý trị liệu thì khó giải thích nổi tại sao họ lại làm như vậy ngoài một lý do. Họ là người Nhật.