Hiển thị các bài đăng có nhãn Trò chơi dân gian. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Trò chơi dân gian. Hiển thị tất cả bài đăng

09/03/2020

[04.TCDG]. Chọi hột điều

Cây điều (cashew), có nơi gọi là đào lộn hột, được trồng ở bờ rào hay bờ ao. Nhà nào có vườn thì trồng ở vườn. Chủ yếu cây điều trồng là để thu hoạch hột điều (hạt điều). Món hột điều rang muối thì ngon ai cũng biết rồi. Còn trái điều chín thì có thể ăn sống với muối hoặc nấu canh chua rất ngon.
Trái điều
Cây điều là cây công nghiệp trồng nhiều ở miệt Long Khánh, Đồng Nai. Cây chỉ cho trái một mùa nên các công ty chế biến hột điều xuất khẩu phải nhập hột điều từ các nước châu Phi sản lượng rất lớn cho mùa còn lại để công nhân có việc làm cả năm.
Vì hột điều có thể bán được nên chúng tôi có trò chơi chọi hột điều. Đây là trò chơi có ăn thua vật có giá trị nên thực chất là trò cờ bạc nhưng nếu chọi cho vui cũng được. Lưu ý hột điều tươi có mủ rất độc hại nên tránh vương vào mắt.
Số người tham gia thường là hai người nhưng cũng có thể nhiều hơn cũng được. Đầu tiên người chơi phải tuyển chọn cho mình một đồng chọi. Tức là một hột điều to, dùng đinh hoặc vòi của ruột xe đạp, xe honda đóng vào đít của cái hột điều làm cho cái hột điều nặng lên.
Mỗi một lượt chơi thì các người chơi góp vào một số lượng hột điều bằng nhau ví dụ mỗi người 5 hột, 6 hột, .... Trên sân chơi vạch hai đường kẻ song song cách nhau chừng bước nhảy.
Để xác định thứ tự chơi thì tiến hành thi: Tất cả người chơi đứng ở 1 mức (1 đường kẻ) và thảy đồng chọi của mình về mức còn lại. Ai gần vạch mức hơn thì đi trước.
Khi đến lượt chơi thì người đứng ở một vạch mức (không được đạp chân lên vạch mức), thảy toàn bộ các hột điều mà các người chơi hùn lại qua vạch mức còn lại.
  • Nếu có một hột điều nằm dưới mức thì người chơi mất lượt.
  • Nếu như tất cả các hột điều điều ở trên mức:
    • Người chơi còn lại sẽ chọn 1 hột điều
      • Người chơi dùng đồng chọi của mình chọi trúng hột điều này mà cả hai không va vào các hột điều còn lại thì người chọi sẽ thắng và phần thưởng là tất cả các hột điều trên sân.
      • Trường hợp người chọi không chọi trúng hoặc một trong hai hột (đồng chọi và hột bị chọi) trúng hột điều khác nằm trên sân thì người chơi thua. Đến lượt người kế tiếp.
    • Người chơi còn lại chỉ vào 1 cặp hoặc 3 hột điều, 4 hột điều, ... chúng dính chùm nhau trên sân thì luật trên cũng áp dụng nhưng điều kiện là cặp hột điều hay chùm 3, chùm 4, ... hột điều này phải tách rời nhau khi được chọi thì người chọi mới thắng.

04/03/2020

[17.TCDG]. Đá cỏ gà

Những ngày chăn trâu, nhổ cỏ thì không thể không biết đến cỏ chỉ (có nơi gọi là cỏ gà, cỏ bermuda, tên khoa học là Cynodon dactylon). Loài cỏ này là kẻ thù số một với nông dân vì chúng sống dai, khó diệt. Cày đất ủ xuống nước lâu thật lâu cũng không chết, chỉ còn xót lại một mắc thì cũng mọc lại thành cụm.
Điều đặc biệt là cỏ chỉ  thường có một loại sâu ăn lá ký sinh là "fall armyworm" (Spodoptera frugiperda). Do tác động của sâu ký sinh, những bẹ lá cuộn xếp lên nhau làm nhiều lớp khiến cho đầu cọng cỏ tạo thành một nốt sần cỡ như hột đậu phộng có hình giống như con gà.

Cỏ chỉ với đầu gà
Đầu gà to
Cách chơi: Hai người chơi tìm các cộng cỏ có đầu gà. Đầu gà càng to càng thích. Khi chơi thì móc hai cái đầu gà với nhau rồi kéo mạnh. Đầu gà của ai bị đứt thì người đó bị thua. Ngoài cách kéo thì có thể đập hai cái đầu với nhau.
Đá cỏ gà


02/03/2020

[03.TCDG]. Tạt thun

Dụng cụ:
  • Mỗi người chơi chuẩn bị một chiếc dép lê (hoặc dép lào)
  • Dây thun loại dùng để buộc các bịch đồ, buộc tiền (còn loại là thun khoanh)
  • Thun khoanh
Sân chơi:
Sân chơi
Dùng dép vẻ lên mặt sân một vòng tròn và một đường thẳng gọi là mức để tạt.
Luật chơi:
  • Mỗi lượt chơi thì mỗi người chơi hùn vào số cộng thun bằng nhau. Sau đó bỏ tất cả các cộng thun vào vòng tròn ở giữa sân.
  • Người chơi đứng dưới mức (chân không được đạp lên mức), dùng dép tạt vào đống thun. Người chơi được nhận tất cả các cộng  thun văng ra khỏi vòng tròn.
  • Nếu không còn thun trong vòng khi còn người chưa tạt thì lượt chơi kết thúc. Trường hợp tất cả người chơi đều tạt một lần nhưng thun trong vòng tròn vẫn còn thì lượt chơi cũng kết thúc. Tuỳ thoả thuận những người chơi với nhau là có hùn thêm thun vào để bắt đầu lượt mới hay không.
  • Để xác định thứ tự tạt trong một lượt chơi thì các người chơi đứng tại vòng tròn thảy dép về mức. Tuỳ độ xa của dép tới mức mà xác định thứ tự tạt. Dép của ai gần hơn thì đi trước, dép ai xa hơn thì đi sau. Vì dép là vật lớn nên việc xác định khoảng cách là từ mức đến điểm trên dép gần mức nhất. Trường hợp có hai người chơi huề nhau thì có thể thi lượt phụ để xác định thứ tự.
Lưu ý: Đây là trò chơi có tính chất ăn thua vật chất nên ba mẹ cần giám sát để tránh cờ bạc.

01/03/2020

[02.TCDG]. Tạt lon

Trò chơi thứ 2 gắn liền với tuổi thơ của mình là trò tạt lon (hay còn gọi là tạt banh lon).
  1. Dụng cụ:
    • Một lon sữa bò hay lon bia đã dùng rồi. Ngày xưa thì chỉ có lon sữa bò thôi còn lon bia thì xa xỉ lắm mà nói thật ở quê người ta không uống bia chỉ uống rượu đế thôi.
    • Mỗi người chơi một chiếc dép lê mà xịn nhất là dép lào. 
  2. Sân chơi: Chuẩn bị sân chơi như trong hình
  3. Số người chơi: Từ hai người trở lên gồm 1 người chăn và còn lại là các người chơi.
  4. Luật chơi:
    • Xác định người chăn: Ban đầu tất cả mọi người đứng ngay vị trí lon thảy dép về phía mức. Dép ai xa mức nhất thì đó là người chăn, những người còn lại là người chơi. Vì dép là vật có kích thước to nên khoảng cách xác định từ mức đến điểm trên dép gần mức nhất.
    • Người chơi thì đứng dưới mức và dùng dép cố thảy làm sao cho lon bay ra khỏi vòng. Sau khi thảy dép lên thì người chơi chạy lên cố nhặt dép của mình (không nhặt của người khác) chạy về vạch mức. Không được chạy ra ngoài giới hạn sân chơi (phạm quy).
    • Người chăn cố đuổi bắt người chơi khi họ mang dép về. Người chơi thua khi người chăn chạm vào người của người chơi khi đã đụng tay vào dép và lon vẫn đang trong vòng, trên vạch mức hoặc người chơi bị phạm quy. Người chơi bị thua thành người chăn tiếp theo.
    • Trường hợp người chơi ném dép không vượt qua khỏi lon thì người chăn có quyền đem những chiếc dép này đặt vào trong vòng và người chơi đang ở trạng thái đã đụng tay vào dép, nghĩa là nếu người chăn chạm tay vào người mà lon ở trong vòng thì người chơi thua. Trong trường hợp này người chơi để lấy dép của mình thì người chơi phải dùng chân đá lon ra khỏi vòng. 
Vì đây là trò đuổi bắt nhau nên những người chơi cần cẩn thận, chọn sân chơi an toàn. Lúc nhỏ mình cầm dép chạy, người chăn đuổi gấp mình nhảy qua cái lò trấu cũ ( ba cái chân đưa lên trời đang úp để bảo vệ cây ớt con) nên gối mình va vào 1 chân và để thẹo ở gối. Những kỷ niệm khó quên của tuổi thơ.

29/02/2020

[01.TCDG]. Băng keo

Lấy cảm hứng từ bài viết "Tổng hợp 50 trò chơi dân gian Việt Nam hay và phổ biến nhất" mình sẽ dùng thời gian rãnh rỗi của mình để chia sẻ những trò chơi dân gian mà mình thường chơi lúc trẻ thơ mà tác giả ở bài viết trên chưa đề cập. Vì bụi thời gian nên có những chi tiết có thể mình nhớ không đúng nhờ độc giả sửa giúp.
Trò chơi đầu tiên mà mình muốn giới thiệu là trò "Băng keo". Tại sao nó có tên này thì sau khi xem cách chơi thì các bạn sẽ trả lời được. Tại sao mình giới thiệu nó đầu tiên vì mình có kỉ niệm khó quên về nó. Năm mình học lớp 4, ở đầu của sân chơi trong sân trường có cái giếng bơm tay của UNICEF tài trợ. Sau khi mình nhảy qua để về đích thì cái cằm đập vào cái nhọn trên miệng ống xả nước đến giờ vẫn còn chiếc thẹo nhỏ.
Giếng bơm tay UNICEF

Cách chơi:
  • Số người chơi: Số người chơi là số chẵn, chia thành hai đội. Ít nhất là 4 người.
  • Số người chơi tối đa: Không giới hạn.
  • Chuẩn bị sân chơi:
  • Luật chơi:
    • Chia thành hai đội, oẳn tù tì, đội thắng sẽ là đội chơi còn đội thua sẽ thành đội chăn.
    • Đội chiến thắng sẽ thành đội chơi, đội thua sẽ thành đội chăn ở vòng tiếp theo.
    • Người chơi chạy sao cũng được miễn sao phải băng qua sân chơi hướng về đích, không quay lại các ô đã qua, không ra ngoài hai biên giới hạn sân chơi.
    • Người chăn chỉ di chuyển trong các ô dọc và ô ngang dành riêng cho họ.
    • Chiến thắng:
      • Đội chơi: Có một thành viên về đến đích. Khi người chơi băng qua ô ngang cuối cùng để về khu vực đích đến thì người chơi hô to "Keo". Trò chơi này người chơi có hai động tác chính là "băng" và "keo" nên gọi là băng keo.
      • Đội chăn: Bắt được một thành viên của đội chơi. Bắt nghĩa là tay người chăn chạm được vào người của người chơi đúng luật, hoặc một thành viên của đội chơi phạm quy (chạy vượt ra ngoài hai biên của sân chơi)
    • Tại lúc thành viên của đội chăn bắt một thành viên của đội chơi thì trong ô mà thành viên của đội chăn đứng chỉ được tối đa 2 chân chạm đất. Nghĩa là nếu có một thành viên đội chăn đang đứng trong ô ngang, một thành viên khác nhảy từ ô dọc xuống ô ngang bắt người thì cả hai thành viên này phải cò 1 chân mới hợp lệ.
    • Người chăn không được đạp lên mức (vệt kẻ ô) khi bắt người chơi.