Và con chim Từ Ô giữa mùa đông mổ ... thịt
Của mình nuôi con.
Đớn đau thân Mẹ để no lòng chim non.
Loài vật kia còn sâu nặng thâm tình,
Nghĩ chuyện chim mà nhớ Mẹ thương mình.
Nước mắt con rơi để vành môi thấm mặn,
Ân nghĩa nào làm đau xé lòng con.
Hình ảnh từ u khác chi đời của Mẹ,
Vắt máu tim mình cho con được lớn khôn.
Tuy nhiên hổm rày cứ thắc mắc mãi chim "Từ Ô" trong đoạn này là chim gì?
Mình nhớ không lầm trong "Phong kiều dạ bạc" của Trương Kế có hai câu:
月落烏啼霜滿天,
Nguyệt lạc Ô đề sương mãn thiên
江楓漁火對愁眠。
Giang phong ngư hoả đối sầu miên
(Trăng tà chiếc quạ kêu sương
Lửa chài, cây bến, sầu vương giấc hồ
Tản Đà dịch)
Bạch Cư Dị có bài: Từ Ô dạ đề có đoạn viết:
慈烏失其母
Từ Ô thất từ mẫu
啞啞吐哀音
Á á thổ ai âm
Trong đêm trước trận Xích Bích, Tào Mạnh Đức còn cảm khái:
月明星稀,
Nguyệt minh tinh hy,
烏鵲南飛
Ô thước nam phi
Quách Tấn một lần bốc thuốc cho mẹ vào ban đêm, vô tình chân giẫm lên chiếc mo cau khô làm bầy quạ đang ngủ trên cây giật mình bay tan tác, kêu vang trong đêm nên ông viết ra bài: Đêm thu nghe quạ kêu, trong đó mở đầu bằng hai câu thơ rất đắt:
Từ Ô Y hạng rủ rê sang,
Bóng lẫn đêm thâu tiếng rộn ràng...
Đến đây chắc hẳn Từ Ô là con quạ đen rồi. Con quạ đen theo tín ngưỡng phương đông là loài chim ăn tạp, hung dữ và mang điềm gỡ.
Tuy nhiên Việt Nam có một bài Vè về các loài chim trong đó có đoạn:
"Mẹ già tuổi tác
Lòng con thương lo
Nuôi mẹ ấm no
Là con chim quạ."
Con chim quạ được mệnh danh là con chim có hiếu nhất trong các loài chim. Là loài chim duy nhất biết tha mồi về nuôi mẹ khi mẹ nó già yếu. Hình ảnh chim quạ được Phật giáo sử dụng để giáo dục về chữ hiếu cho Phật tử.
Quay lại hai chữ "Từ Ô" trong bài ca cổ mà soạn giả Ngọc Chi thì không phải là con chim quạ rồi. Vậy loài chim nào mổ thịt của mình nuôi con?
Câu hỏi này thì các bạn Công giáo sẽ dễ dàng trả lời vì trên nóc nhà chầu có tượng một con chim và giáo lý có hai câu:
Lềnh đềnh mổ nát thịt mình
Nuôi con thơ dại tận tình vì con.
Trong game show "Ai là triệu phú" có lần hỏi "Chim lềnh đềnh là tên gọi khác của loài chim nào?". Câu trả lời là chim Bồ nông đó các bạn ạ.
Thật ra chim Bồ nông không mổ thịt mình để nuôi con. Khi bắt cá, chim Bồ nông giữ bên hàm của nó. Khi cho con ăn, chim mẹ đập nát cá ra, máu cả chảy ra, chim mẹ mớm cho chim con. Người xưa tưởng rằng chim mẹ lấy máu mình nuôi con. Dù sao đây cũng là một hình ảnh đẹp về tình mẹ con.